Bài viết dưới đây là một số thông tin về chu kỳ sống và đặc điểm dinh dưỡng của tôm.

Chu kỳ sống của tôm sú

Khả năng sinh trưởng

Tôm là loài giáp xác được bao bọc bởi lớp vỏ kitin, vì vậy trong quá trình sống muốn phát triển thì tôm phải lột xác nhiều lần, tùy vào điều kiện dinh dưỡng, môi trường nước và giai đoạn phát triển mà tôm lột vỏ nhiều hay ít. Thông thường thời gian của hai lần lột xác ngắn nhất là giai đoạn tôm con và kéo dài trong thời kỳ tôm trưởng thành.

Thời gian tích lũy năng lượng để lột xác lâu, nhưng thời gian lột xác lại nhanh, chỉ mất khoảng 5 – 10 phút. Sau khi lớp vỏ cũ được lột ra, lớp vỏ mới non mềm dưới áp suất của các khối mô lâu ngày bị dồn ép sẽ lớn lên, sau 3 – 6 giờ thì lớp vỏ mới đủ cứng để tôm hoạt động bình thường.

Vòng đời phát triển

Vòng đời phát triển của tôm sú thường được chia làm các giai đoạn: trứng (phôi), ấu trùng, hậu ấu trùng, tôm giống, tiền trưởng thành và trưởng thành.

Giai đoạn trứng

Được tính từ khi trứng đẻ đến khi trứng nở, trứng sau khi đẻ sẽ chìm xuống nước và khi trương nước sẽ nổi lơ lửng. Thời gian trứng nở từ 12 – 18 giờ sau khi đẻ, tùy thuộc vào nhiệt độ của nước.

Giai đoạn ấu trùng

Được chia làm 3 giai đoạn là ấu trùng nauplius, zoea, mysis. Mỗi giai đoạn ấu trùng được chia làm nhiều giai đoạn phụ.

Ấu trùng nauplius: Gồm 6 giai đoạn được chia từ N1 đến N6, trải qua sáu lần lột xác để biến thành ấu trùng zoca, thời gian mất từ 2,5 – 3 ngày tùy thuộc vào nhiệt độ nước. Thời gian này chúng sống trôi nổi, không ăn thức ăn mà chủ yếu nhờ vào noãn hoàn.

Ấu trùng zoea: Gồm 6 giai đoạn được chia từ Z1 đến Z6, trải qua ba lần lột xác để biến thành ấu trùng, thời gian mất từ 3 – 5 ngày tùy thuộc vào nhiệt độ nước. Thời gian này chúng sống trôi nổi, đặc trưng giai đoạn này là thả ngửa, bơi ngược, thức ăn chủ yếu là thực vật.

Ấu trùng mysis: Gồm 3 giai đoạn được chia từ M1 đến M3, trải qua ba lần lột xác để biến thành hậu ấu trùng, thời gian lột xác mất từ 3 – 5 ngày tùy thuộc vào nhiệt độ nước, chúng sống trôi nổi, đặc trưng giai đoạn này là thả ngửa bơi ngược, thức ăn chủ yếu là thực vật.

Các giai đoạn ấu trùng của tôm
Các giai đoạn ấu trùng của tôm

Giai đoạn hậu ấu trùng

Giai đoạn này chúng bắt đầu bơi phía trước, dần dần hoàn chỉnh các cơ quan, cơ thể gần giống tôm trưởng thành, sống trôi nổi, cuối giai đoạn này người ta gọi là tôm bột, sống bám. Chúng rất háu ăn và thức ăn chủ yếu trong giai đoạn này là những sinh vật phù du, thời gian của giai đoạn này thường kéo dài từ 8 – 10 ngày tùy thuộc vào nhiệt độ nước.

Giai đoạn tôm giống

Lúc này hệ thống mang đã phát triển hoàn toàn và chúng thường ở dưới đáy. Thức ăn là động vật dưới đáy, mùn bã hữu cơ, xác động vật chết. Chúng di chuyển vào thủy vực nước lợ để sinh sống, khoảng 20 – 30 ngày, thông thường tôm đạt kích cỡ 4 – 5cm thì có thể phân biệt được đực và cái.

Giai đoạn thiếu niên

Cơ thể tôm phát triển cân đối, tôm đã có cơ quan sinh dục đực cái, chúng thường ở dưới đáy. Thức ăn là động vật dưới đáy, mùn bã hữu cơ, xác động vật chết…

Giai đoạn sắp trưởng thành

Tôm lúc này hoàn toàn thành thục sinh dục, tôm đực có tinh trùng trong nang, một số tôm cái đã nhân túi tinh từ con đực qua lột xác tiền giao vĩ. Giai đoạn này con cái lớn hơn con đực, đây là thời kỳ tôm từ các ao đầm nuôi đi ra các bãi để ra ngoài khơi.

Giai đoạn trưởng thành

Đặc trưng cho sự chín muồi về sinh sản, chúng thực hiện giao phối ở các bãi và con cái đẻ trứng.

Vòng đời phát triển của tôm
Vòng đời phát triển của tôm

Đặc điểm dinh dưỡng

Tôm là loài ăn tạp, tập tính ăn và thức ăn cho mỗi giai đoạn cũng khác nhau theo từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển.

Giai đoạn ấu trùng

Do tập tính sống trôi nổi và bắt mồi thụ động nên thức ăn phải phù hợp với cỡ mồi trong tự nhiên. Trong tự nhiên ấu trùng thường sử dụng các thức ăn như khuê tảo, ấu trùng artemia, thịt tôm, cá, mực… xay nhuyễn cho tôm dạng ấu trùng ăn.

Giai đoạn từ tôm bột đến tôm trưởng thành

Chúng ăn các loài động vật đáy như giáp xác nhỏ, các nhuyễn thể (thân mềm), giun nhiều tơ, các loài ấu trùng dưới đáy, xác chết động vật, mùn bã hữu cơ… Nhìn chung tôm là loài động vật háu ăn, chúng sử dụng các đôi chân bò như cái kẹp để kẹp thức ăn và có bộ hàm rắn chắc để nghiền nát thức ăn. Ngoài ra tôm còn dùng bộ râu để tìm kiếm thức ăn.

Cấu tạo ngoài của tôm
Cấu tạo ngoài của tôm
  1. râu thứ nhất
  2. râu thứ hai
  3. chân ngực
  4. chân bụng
  5. đuôi
  6. chủy
  7. gai thượng vị
  8. gai gan
  9. gai râu
  10. go gan
  11. đốt bụng thứ nhất
  12. đốt bụng thứ sáu
  13. telson (gai đuôi)

Gia Duc Cảm ơn Quý khách đã quan tâm đến sản phẩm của chúng tôi. Đội ngũ tư vấn của công ty sẽ liên hệ đến Quý khách trong 24h tới

Thông tin liên hệ

Gửi