Nấm rơm ăn rất ngon và bổ dưỡng. Nhưng để đảm bảo vệ sinh và giữ nguyên độ tươi ngon thì bạn cần kiểm tra, làm sạch và sơ chế đúng cách.
Cách kiểm tra nấm rơm
Chọn nấm rơm tươi
- Chọn những cây có búp tròn đều và chắc thịt, vì lúc này nấm tươi ngon nhất. Kiểm tra bằng cách bóp nhẹ vào thân nấm.
- Không nên chọn nấm rơm đã nở (giai đoạn nấm sắp tàn) vì ăn không ngon bằng khi chưa xòe, hoặc cũng có thể do bảo quản đã lâu nên nấm có thời gian nở.
- Nấm hỏng sẽ hay bị thâm đen, chảy nước và nhũn thân.
Chọn nấm rơm khô
- Chú ý hạn sử dụng trên bao bì, thường là 1 nấm kể từ ngày sản xuất.
- Nấm còn dùng được thì màu sẽ tươi hơn khi bị mốc, nấm rơm mốc thường sẫm màu.
- Dùng mắt thường và sờ tay để kiểm tra nấm có khô không. Nấm bị ẩm thường dễ mốc hỏng.
Khâu kiểm tra thủ công là để tránh mua phải nấm rơm quá hạn dùng hoặc mốc hỏng ngay khi vẫn còn hạn, nếu ăn vào sẽ gây hại.
Cách rửa sạch và sơ chế
Cách rửa và sơ chế nấm rơm tươi
- Dùng dao cạo nhẹ thật sạch phần gốc nấm đi là nấm rơm sẽ sạch và trông thích mắt hơn.
- Chỉ rửa sơ bằng cách đưa nhẹ nấm vào vòi nước rồi chà tay nhẹ sơ qua để trôi bụi.
- Ngâm nấm rơm với nước muối nhạt trong khoảng 3-5 phút, sau đó tráng qua bằng nước sạch.
- Trước khi chế biến, bạn cần cắt đôi cây nấm ra cho vừa miệng và cũng để nấm ngấm đều gia vị.
Cách sơ chế nấm rơm khô
Nấm rơm sấy khô cũng như nấm rơm tươi, cũng cần sơ chế trước, và nấm có thể vẫn còn sót lại gốc nên cần làm sạch.
- Rửa lần 1: dùng tay đảo nhẹ nấm rơm khô trong nước sạch. Kiểm tra và cắt phần gốc (nếu còn).
- Rửa lần 2: ngâm nấm rơm với nước sạch trong 20-30 phút để cho nấm nở ra là có thể chế biến. Không cần dùng nước nóng.
Mẹo trong sơ chế nấm
- Giữ lại nước ngâm nấm rơm khô ở trên để lọc bỏ cặn đi (nếu có). Nước này dùng nấu canh sẽ rất bổ và ngọt vì dưỡng chất trong nấm tiết ra nhiều.
- Nếu mua nấm rơm ở nơi không đóng gói kín, tạo cảm giác không an tâm thì hãy ngâm thêm với nước muối loãng (như nấm tươi) trong 5 phút. Sau đó, vớt ra để đun sôi chừng 5 phút để đảm bảo an toàn.