Nấm rất ngon, đa dạng chủng loại, chứa nhiều chất bổ dưỡng nên được người Việt Nam ưa dùng. Với lượng tiêu thụ cực lớn ở cả trong nước và quốc tế, nghề trồng nấm cũng phát triển theo, giúp rất nhiều người vươn lên thành “đại gia” làng quê.

Bài viết sau sẽ giới thiệu về nhiều tấm gương tiêu biểu từ khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam để bạn đọc tham khảo học hỏi.

Xã nghèo Quảng Nam làm giàu mau chóng

Giàu lên từ trồng nấm rơm

Nhờ nghề trồng nấm rơm trong nhà kín mà nhiều hộ dân ở xã Bình Trị (H.Thăng Bình, Quảng Nam) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu với thu nhập hàng tháng khoảng 20 triệu đồng.

Trước năm 2010, 85% người dân xã Bình Trị chủ yếu sống bằng nghề nông với 320ha đất trồng lúa một vụ. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo toàn xã đến 35%.

Trăn trở tìm hướng làm ăn mới, Hội Nông dân xã Bình Trị đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến dạy nghề (Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam) mở lớp dạy kỹ thuật trồng nấm rơm trong nhà bạt với hy vọng sẽ mang lại “cần câu cơm” khá hơn cho người dân.

Ông Trương Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân xã này cho biết: “Mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín rất phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương lại ít tốn chi phí (khoảng 5 triệu đồng) nên người dân tham gia rất nhiệt tình”.

Ban đầu chỉ vài chục hộ thử trồng nấm rơm, thấy có lãi lại dễ chăm sóc nên những năm sau đó, mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín liên tục nhân rộng. Đến nay, trên địa bàn toàn xã đã có khoảng 100 hộ sản xuất nấm. Trong đó, nhiều hộ đã làm giàu từ nghề này.

Ông Nguyễn Đức A (57 tuổi, trú tại thôn Châu Lâm), một trong số những hộ dân trồng nấm đầu tiên cho biết, mỗi tháng gia đình ông sản xuất 2 đợt nấm, mỗi đợt ủ khoảng 2.000 bánh rơm. Nếu nấm ra ổn định, hằng tháng gia đình ông thu khoảng 250kg nấm. Sau khi trừ chi phí gia đình ông kiếm khoảng 10 triệu đồng tiền lãi.

Nhờ thị trường ưa chuộng, đặc biệt là vào dịp mùng một và rằm hàng tháng, mỗi kg nấm rơm có lúc giá lên đến 150.000 đồng. Nắm bắt được thói quen tiêu dùng này, người trồng nấm ở Bình Trị luôn trồng đúng dịp để mức giá bán ra được cao hơn.

“Thị trường tiêu thụ nấm rơm cũng ngày một rộng ra. Trước đây, nấm được bán lẻ tại các chợ trên địa bàn xã và huyện thì nay nấm được thu gom đưa đến các chợ đầu mối tiêu thụ tại các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn nên giá rất cao. Cao điểm, có hộ lãi đến 20 triệu đồng/tháng”, ông A nói.

Không những giúp cho nhiều hộ gia đình làm giàu,từ mô hình trồng nấm rơm trên địa bàn còn giải quyết nhu cầu việc làm hàng trăm lao động tại địa phương, với mức tiền công từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, Hội Nông dân xã Bình Trị mở lớp tập huấn kỹ thuật ủ phân vi sinh làm phân bón từ phế phẩm bỏ ra sau trồng nấm nhằm giải quyết nguồn phân bón cho sản xuất nông nghiệp và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Gương mặt khả ái từ thủ đô Hà Nội

Small 13748

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh sinh năm 1991, là hội viên phụ nữ trẻ thôn Tiên Kha, X.Tiên Dương, H.Đông Anh. Chị đã gây dựng được mô hình trang trại trồng nấm, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Tốt nghiệp trường đại học Điện lực Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thùy Linh lựa chọn con đường khởi nghiệp làm giàu bằng mô hình trồng nấm rơm ngay trên mảnh đất quê hương. Tuổi trẻ, dám nghĩ dám làm, sau khi đăng ký tham gia khóa học trồng nấm tại Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam cùng với việc tự tìm mày mò, tìm hiểu trên sách vở và internet về trồng nấm, chị chính thức bắt tay vào thử nghiệm trồng nấm với số vốn ít ỏi ban đầu là 300.000 đồng.

Ban đầu, chị trồng thử nghiệm 2 loại nấm là nấm mỡ và nấm rơm, vì 2 loại nấm này dễ trồng, hiệu quả cao. Tận dụng những ngôi nhà ngói bỏ hoang trong thôn, chị trồng những lứa nấm đầu tiên, vì trồng nấm trong nhà tránh được mưa gió. Sau khi thu hoạch, chị thu được hơn 4 triệu đồng. Trừ các chi phí ban đầu, chị thu lãi được 3,5 triệu đồng. Đến lứa nấm thứ 2, chị lãi và thu về được hơn 4 triệu. Nhận thấy hiệu quả đem lại từ việc trồng nấm, chị quyết định đầu tư mở rộng thêm quy mô trang trại.

Năm 2015, trên khu ruộng đấu thầu thành công của xã rộng chừng 1.500m², chị chính thức khởi nghiệp bằng việc xây dựng lán, mua trang thiết bị: xe bò kéo, lò hấp, chuẩn bị giống và thuê nhân công làm phát triển mô hình kinh tế đặc thù này. Mô hình trang trại trồng nấm của chị ngày càng lớn mạnh, cứ sau mỗi vụ nấm, số tiền lãi chị thu lại tăng gấp 3 – 4 lần so với những lần trước.

Trong quá trình thực hiện mô hình này, nhiều lúc chị vẫn chưa nắm rõ hết kỹ thuật trồng nấm. Thông qua các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nấm rơm do Hội PN phối hợp tổ chức, chị đã có thêm kinh nghiệm và nâng cao được kiến thức về chăm sóc nấm còn non.

Chị Linh cho biết: Để trồng nấm đạt năng suất cao, ngoài đòi hỏi về giống tốt, nguyên liệu sạch, thì yếu tố kỹ thuật chăm sóc cũng quyết định quan trọng vào việc thành hay bại của vụ mùa. Hiện, trang trại nấm của chị Nguyễn Thị Thùy Linh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ba loại nấm mà chị trồng nhiều nhất hiện nay là nấm sò, nấm mỡ và nấm rơm. Với giá nấm sò trung bình từ 25.000 – 35.000 đồng, nấm mỡ từ 50.000 – 70.000 đồng và nấm rơm 80.000 đồng, chị thu lãi 150 triệu đồng/vụ.

Vợ chồng chuyên gia sinh học về quê trồng nấm

Anh Lâm Thái Dương (36 tuổi) tốt nghiệp ngành sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, còn chị Lê Hồ Thùy Linh (32 tuổi) tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH Mở TP.HCM.

Hai anh chị có khoảng thời gian đi làm cho một trang trại rau xanh ở TP.HCM. Tuy nhiên, vì không muốn sống cảnh xa gia đình, làm thuê nơi xứ người nên cả hai quyết định trở về quê (xã Bình Phú, H.Tân Hồng, Đồng Tháp) lập nghiệp.

Sau thời gian tìm tòi, nhận thấy làm nấm rơm không quá khó về kỹ thuật và cũng không mất nhiều công chăm sóc, anh Dương và chị Linh quyết định chọn mô hình này để lập nghiệp.

Đều là tay ngang, vợ chồng anh Dương vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm. Anh chị chăm chỉ học hỏi các chủ trang trại trồng nấm ở địa phương để có thêm kinh nghiệm, đọc nhiều sách báo, rồi xem video hướng dẫn làm nấm rơm trên internet.

Năm 2018, anh Dương bắt đầu làm thử nấm rơm bằng phương pháp truyền thống với hai nhà kính che bằng màng ni lông, mỗi phòng rộng 15 m2. Tuy nhiên, ở loại phòng này thì nhiệt độ, độ ẩm không ổn định nên nấm sinh trưởng và phát triển không như kỳ vọng.

Sau nhiều lần thất bại, vợ chồng anh Dương quyết định thực hiện quy trình làm nấm rơm công nghệ cao trong nhà kính và mạnh dạn đầu tư 1,8 tỉ đồng để biến 2.000 m2 đất vườn thành nhà nấm. Nhà kính làm nấm được chia thành 48 phòng khép kín, mỗi phòng rộng 15 m2. Các phòng được quây kín bằng vách tường xi măng vững chắc, luôn ấm và ẩm hơi nước.

Sau 5 năm gắn bó với mô hình, sản phẩm nấm rơm của anh Dương và chị Linh đã có đầu ra ổn định. Mỗi ngày, trang trại thu hoạch khoảng 20 – 30 kg nấm (giai đoạn nấm cho năng suất cao, mỗi ngày trang trại thu hoạch khoảng 70 – 80 kg nấm). Giá bán khoảng 50.000 – 80.000 đồng/kg. Hiện tại sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường ở địa phương.

Nông dân Gia Lai tự học trồng nấm qua internet

Thoát nghèo nhờ học trồng nấm qua mạng

Thay vì đến các trung tâm hay các trại nấm để học nghề, chị Trần Thị Dơn ở thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh (Gia Lai) lại thành công bằng việc học trồng nấm qua mạng Internet. Chị đang là điển hình kinh tế tại địa phương, với nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mất 2 năm kiên trì tìm hiểu cách trồng nấm từ các trang mạng, đặc biệt là cách trồng nấm tự nhiên từ mùn cưa, từ thân gỗ và trải qua không ít thất bại, vợ chồng anh chị mới gặt hái được thành công. Rồi chị đọc được bài báo về trồng nấm dược liệu. Thế là vợ chồng chị quyết định nghiên cứu trồng nấm linh chi.

Trồng nấm không tốn nhiều diện tích bởi các bao nấm được xếp chồng lên nhau và nấm chỉ phát triển tại vị trí cổ bịch. Mỗi ngày chỉ cần tưới giữ ẩm 3 lần tùy theo độ ẩm không khí và duy trì ánh sáng trong trại nấm. Đặc biệt, với nấm linh chi, trước khi thu hái khoảng 1 tháng phải ngưng phun tưới để giữ nguyên bào tử trên nấm, bảo đảm dược tính cao nhất khi đến tay người dùng. Kể cả bán bịch phôi và bán nấm linh chi thương phẩm, sau khi khấu trừ hết các chi phí, mỗi năm anh chị thu vào gần 200 triệu đồng trên diện tích khoảng 400m2.

“Trồng nấm không khó nhưng đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật. Lúc đầu mới trồng gia đình tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Chưa biết cách sản suất phôi nấm, vợ chồng tôi phải nhập hoàn toàn phôi nấm giống từ nơi khác về, nên một số phôi nấm đã bị hỏng. Năm đầu gia đình tôi chỉ thu lời được 70 triệu đồng”. Chị Dơn chia sẻ.

Chị Dơn luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến nấm theo hướng an toàn từ khâu trồng cấy nấm, chăm sóc tưới bằng nước sạch, vệ sinh lán trại sạch sẽ hằng ngày. Lán trại trồng nấm được xây dựng kiên cố, thoáng mát, bố trí xa khu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, nấm của chị luôn được người tiêu dùng ưa chuộng chọn mua.

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Khánh Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Blứ cho hay: “Gia đình chị Dơn là hộ đầu tiên trên địa bàn xã Ia Blứ triển khai mô hình trồng nấm với số lượng lớn. Từ chỉ sản xuất nấm bào ngư, đến nay gia đình chị đã mở rộng trồng thêm nấm linh chi, nấm mèo (mộc nhĩ) và nấm rơm.

Hiện tại gia đình chị trồng 50.000 bịch nấm bào ngư, 30.000 bịch nấm linh chi, 30.000 bịch nấm mèo và 50 tấn nguyên liệu để làm nấm rơm. Mô hình trồng nấm của chị Dơn được Hội đồng giám khảo “Ngày phụ nữ khởi nghiệp huyện Chư Pưh” thẩm định, đánh giá là mô hình khởi nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao!”

Hiện nay, ngoài bán nấm thương phẩm chị Dơn còn tự sản suất phôi nấm giống để bán cho các hộ trồng nấm khác. Với mô hình cung cấp phôi giống và bán nấm thương phẩm, mỗi năm gia đình chị có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Không chỉ vậy, mô hình trồng nấm này đã giúp giải quyết việc làm tại chỗ cho 7 – 10 lao động tại địa phương.

Gia Duc Cảm ơn Quý khách đã quan tâm đến sản phẩm của chúng tôi. Đội ngũ tư vấn của công ty sẽ liên hệ đến Quý khách trong 24h tới

Thông tin liên hệ

Gửi