Tổng quan và điều khoản chung trong an toàn hệ thống lạnh

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả của hệ thống lạnh, có một số quy định và điều khoản chung cần được tuân thủ. Dưới đây là một số điều khoản chung và tổng quan về an toàn hệ thống lạnh.

Tổng quan an toàn hệ thống lạnh

Kỹ thuật an toàn hệ thống lạnh nhằm đảm bảo an toàn cho người và thiết bị trong xí nghiệp lạnh nhờ các biện pháp tổ chức, kỹ thuật và vệ sinh phòng chống cháy, nổ. 

Như vậy, cũng có thể coi đây là nhiệm vụ chính của công tác bảo hộ lao động ở các xí nghiệp lạnh, để giảm đến mức tối thiểu khả năng có thể xảy ra sự cố, cháy, nổ hoặc các bệnh nghề nghiệp cho công nhân viên chức, đồng thời đảm bảo tới mức cao nhất để tăng năng suất lao động. Kỹ thuật an toàn lao động và vệ sinh công nghiệp vì thế có mối liên quan mật thiết với nhau.

Khi chế tạo thiết bị và lắp ráp hệ thống lạnh phải đặc biệt chú ý kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp, vì điều kiện an toàn lao động còn phụ thuộc vào các giải pháp thiết kế và chọn các trang thiết bị của hệ thống.

Tất cả các máy và thiết bị của hệ thống lạnh phải được chế tạo, lắp đặt và bảo dưỡng vận hành theo các tài liệu chuẩn về an toàn lao động và các quy định về phòng chống cháy có hiệu lực.

Ở nước ta, ngày 11-3-1986, uỷ ban khoa học và Kỹ thuật nhà nước (nay là Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) đã ban hành tiêu chuẩn Việt Nam về kỹ thuật an toàn hệ thống lạnh: TCVN 4206 – 86 có hiệu lực từ ngày 1 – 1 – 1987. Tiêu chuẩn này quy định những yêu cầu cần thực hiện trong thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành và sửa chữa hệ thống lạnh.

Các điều khoản chung

1. Chỉ cho phép những người sau đây được vận hành máy và hệ thống lạnh.

  • Đã có chứng chỉ hợp pháp qua lớp đào tạo chuyên môn về vận hành máy lạnh.
  • Đối với thợ điện: Phải có chứng chỉ chuyên môn đạt trình độ công nhân vận hành thiết bị điện.
  • Người vận hành máy phải nắm vững: kiến thức sơ cấp về các quá trình trong máy lạnh, tính chất của môi chất lạnh, quy tắc sửa chữa thiết bị và nạp môi chất lạnh, cách lập nhật ký và biên bản vận hành máy lạnh.

2. Hàng năm xí nghiệp lạnh cần tổ chức kiểm tra nhận thức của công nhân viên về kỹ thuật an toàn nói chung và vệ sinh an toàn hệ máy lạnh nói riêng.

3. Tất cả cán bộ công nhân trong xí nghiệp phải hiểu rõ kỹ thuật an toàn và cách cấp cứu khi xảy ra tai nạn.

4. Phải đăng ký với thanh tra Nhà nước về thanh tra an toàn lao động các thiết bị làm việc có áp lực và an toàn điện.

5. Phải niêm yết quy trình vận hành máy lạnh tại buồng vận hành máy.

6. Cấm người không có trách nhiệm tự tiện vào phòng máy.

7. Phòng máy phải có các trang thiết bị, phương tiện dập lửa khi có hoả hoạn. Tất cả các phương tiện chống cháy phải ở trạng thái chuẩn bị sẵn sàng, có người phụ trách và thường xuyên bảo quản các thiết bị đó.

8. Cấm đổ xăng, dầu hoả và các chất lỏng dễ cháy khác trong gian máy.

9. Cấm người vận hành máy uống rượu trong giờ trực vận hành máy.

10. Xí nghiệp lạnh phải thành lập ban an toàn lao động của cơ quan do thủ trưởng cơ quan làm trưởng ban để kiểm tra nhắc nhở việc thực hiện nội quy an toàn lao động và làm việc với cơ quan cấp trên khi cần thiết.

Để cơ quan thanh tra kỹ thuật an toàn cho phép sử dụng máy, thiết bị và hệ thống lạnh cần có các bước chuẩn bị sau:

  • Có văn bản đề nghị của thủ trưởng đơn vị sử dụng. Trong văn bản cần nêu rõ mục đích, yêu cầu của sử dụng máy và thiết bị, các thông số làm việc của thiết bị.
  • Có hồ sơ xin đăng ký với đầy đủ các tài liệu kỹ thuật: các bản vẽ mặt bằng bố trí thiết bị. Sơ đồ nguyên lý hệ thống, các dụng cụ kiểm tra, đo lường, bảo vệ. Bản vẽ cấu tạo máy và thiết bị. Văn bản nghiệm thu và lắp đặt đúng thiết kế và yêu cầu kỹ thuật. Quy trình vận hành máy và xử lý sự cố. Biên bản khám nghiệm của thanh tra kỹ thuật an toàn sau khi lắp đặt.
Chia sẻ

Tổng quan và điều khoản chung trong an toàn hệ thống lạnh

hoặc copy link

Mục lục

Gia Duc Cảm ơn Quý khách đã quan tâm đến sản phẩm của chúng tôi. Đội ngũ tư vấn của công ty sẽ liên hệ đến Quý khách trong 24h tới

Thông tin liên hệ

Gửi