Thử nghiệm và hiệu chỉnh thiết bị tự động trong hệ thống lạnh
Thử nghiệm và hiệu chỉnh các thiết bị tự động trong hệ thống lạnh là một phần quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả hoạt động và an toàn của hệ thống. Các thiết bị tự động này giúp kiểm soát các yếu tố như nhiệt độ, áp suất và lưu lượng môi chất lạnh, góp phần duy trì hệ thống hoạt động ổn định.
Thử và hiệu chỉnh van tiết lưu nhiệt
Thử nhanh van tiết lưu mới
Một van tiết lưu kiểu tự động điều chỉnh theo tín hiệu nhiệt độ mới hoặc chưa sử dụng nhưng do để lâu ngày có thể mất hay giảm tính năng tác dụng. Có thể thử nhanh van tiết lưu nhiệt này trước khi lắp vào hệ thống theo phương pháp sau:
- Lắp van tiết lưu vào một bình ga còn lỏng.
- Đặt bình ở vị trí nạp lỏng và để bầu cảm nhiệt của van sao cho khi mở van bình, ga lỏng có thể phun vào bầu cảm nhiệt của van tiết lưu.
Nếu van còn tốt thì ở nhiệt độ bình thường nó phải ở trạng thái mở van, ga lỏng sẽ phun vào bầu cảm nhiệt và bay hơi làm lạnh bầu làm cho van đóng kín, ngừng phun hơi. Ít phút sau lỏng bay hơi hết, bầu cảm nhiệt lại nóng dần lên và làm mở van tiết lưu cho hơi phun ra. Như vậy là van còn tốt. Có thể dùng tay nắm vào bầu cảm nhiệt (khi hơi ngừng phun) để nhiệt độ bầu tăng nhanh hơn, giảm thời gian chờ hơi phun lại.
Nếu bầu cảm nhiệt vẫn còn nóng mà môi chất không đi qua được hay khi làm lạnh bầu mà van không tự đóng lại được để ngừng phun lỏng thì chứng tỏ van không còn tốt nữa, không đáng tin cậy.
Có thể thử độ kín của van và rắc co bằng cách nhúng cả đoạn ống có van đang ở trạng thái đóng vào nước.
Thử và hiệu chỉnh van tiết lưu
Lắp van tiết lưu nối với bình ga và hai đồng hồ áp suất như hình. Nới cho ga xì nhẹ ở rắc co áp suất thấp.
1 .Van tiết lưu; 2. Áp kế áp suất thấp; 3. Áp kế áp suất cao; 4. Bình chứa nước đá
Nhúng bầu cảm nhiệt vào bầu chứa nước đá đã tan (không dùng nước đá chưa tan hết).
Mở van bình ga để tạo được áp suất trước van tiết lưu ít nhất là 6bar. Nếu áp suất thấp hơn, có thể làm nóng nhẹ bình.
Điều chỉnh van tiết lưu để nhận được áp suất sau van tương ứng với áp suất cần có trong hệ thống. Ví dụ ở nhiệt độ bay hơi t0 = -32oC với R22, áp suất này bằng 1,50 bar. Trong khi điều chỉnh phải chú ý để ga luôn xì nhẹ ở sau van.
Gõ nhẹ vào thân van để xem nó làm việc có bảo đảm không. Nếu áp suất thấp không thay đổi quá 0,07bar (1PSI) là được.
Thử ga nạp bầu cảm nhiệt vào ống mao dẫn: Tay nắm bầu cảm nhiệt đã làm lạnh, áp kế áp suất thấp phải chỉ giá trị tăng nhanh. Nếu áp suất này không tăng, chứng tỏ đã mất ga nạp.
Kiểm tra độ kín ti van: Vặn rắc co áp kế không cho van xì nữa, số chỉ áp kế áp suất thấp sẽ tăng (khoảng 0,150bar đến 0,2bar) và ổn định. Nếu áp suất tiếp tục tăng nữa thì chứng tỏ van không kín.
Xác định năng suất của van tiết lưu nhiệt
Năng suất của van tiết lưu thay đổi tùy theo môi chất trong hệ thống và có thể được xác định nhờ hệ thống thiết bị thử nghiệm.
Thiết bị xác định năng suất van tiết lưu bao gồm các bộ phận chính sau: 1 cân bàn, 1 bình ga lỏng, 1 đường ống dẫn mềm để cân không bị ảnh hưởng, 1 phin lọc, 1 áp kế cao áp, 1 van chặn, 1 áp kế cao áp thứ hai, van tiết lưu cần thử có bầu cảm nhiệt nhúng vào nước đá 0°c để tạo độ quá nhiệt không đổi, 1 áp kế thứ ba đặt sau van tiết lưu, 1 van chặn và cuối cùng là một đoạn ống xả.
Tuần tự xác định năng suất van tiết lưu nhiệt được tiến hành như sau:
- Mở to van bình ga.
- Đánh dấu sẵn trên mặt cân khối lượng lỏng định nạp qua van, dùng đồng hồ bấm giây ghi ngay thời gian nạp hết lượng ga đó.
- Áp suất trước van tiết lưu được giữ không đổi (chẳng hạn bằng cách làm nóng nhẹ bình ga), còn áp suất sau van được giữ không đổi do điều chỉnh van chặn 2.
- Trên cơ sở các số liệu này ta suy ra được khối lượng môi chất qua van tiết lưu, công suất của nó tương ứng với các giá trị áp suất trước và sau van và độ quá nhiệt của hơi (hay nhiệt độ của bầu cảm nhiệt).
- Đối với R12 có thể thử với áp suất 7,5 đến 9bar.
- Áp suất sau van có thể được chỉnh phù hợp với áp suất hút ở thiết bị mà ta dự định lắp van tiết lưu cho nó.
Hiệu chỉnh rơle nhiệt độ (thermostal)
Các rơle nhiệt độ có đặc điểm là thường hay hư hỏng ở các tiếp điểm hoặc mất ga nạp bầu cảm nhiệt và ống mao dẫn. Các hư hỏng này không khó xác định. Vấn đề cơ bản là phải chỉnh nó để điều khiển ngắt và mở máy chính xác đảm bảo nhiệt độ lạnh yêu cầu.
Trình tự hiệu chỉnh rơle nhiệt độ được tiến hành như sau:
- Cần phải có các môi trường nhiệt độ khác nhau tương ứng với các giới hạn cần hiệu chỉnh, ví dụ 0°c, -15°c, -35°c, v.v… có thể là các bình đựng nước đá (0°C), bình đựng nước muối ở các nhiệt độ thấp cần thiết.
- Nhúng bầu cảm nhiệt của rơle nhiệt độ vào bình có nhiệt độ cần hiệu chỉnh, sau ít phút quay từ từ núm vặn điều chỉnh cho đến khi rơle nhiệt độ dừng máy.
- Để xác định được giá trị nhiệt độ rơle đóng mạch lại, ta phải nhúng bầu cảm nhiệt vào các bình nhiệt độ khác nhau theo thứ tự bình có nhiệt độ tăng dần. Khi rơle đóng mạch, ta xác định được giới hạn nhiệt độ cao tương ứng.
- Để dễ nhận biết thời điểm rơle đóng hay ngắt mạch ta mắc một bóng đèn nối tiếp với rơle nhiệt độ (theo đường nối điện). Tín hiệu của bóng đèn tương ứng với tín hiệu đóng ngắt của rơle.
Hiệu chỉnh rơle áp suất
Hiệu chỉnh ngay trên máy nén
Phương pháp này đơn giản nhưng không được chính xác lắm.
- Lắp ráp rơle áp suất cần thử vào nhánh thao tác của van máy nén.
- Vặn nhỏ van hút (hay van đẩy) tạo ra trong các te (hay ở đỉnh xi lanh) áp suất cần thiết để chỉnh rơle áp suất thấp (hay rơle áp suất cao).
Hiệu chỉnh trên trạm thử
Trạm thử bao gồm một máy nén, hai bình nhỏ: R1 lắp đầu đẩy, chứa khí nén và bình R2 lắp ở đầu hút, áp suất thấp, các van chặn (A, B), van ba ngả (C, D), các áp kế áp suất cao (M1), áp kế chân không (M2) và áp kế hỗn hợp (M3).
Bằng cách thao tác mở các van chặn, có thể hiệu chỉnh tất cả các áp suất thử nghiệm cần thiết. Ví dụ, khi đóng van B và mở van A ta sẽ tạo được chân không ở rơle áp suất thử, còn khi mở van B và đóng van A ta có thể thử được rơle áp suất cao.
Van E dùng để thải hay nạp thêm không khí để điều chỉnh áp suất thử.
Các thao tác mở, đóng van phải hết sức nhẹ nhàng, từ từ để tạo các áp suất thử chính xác.
Để dễ nhận biết khi máy dừng hay làm việc lại ta cũng lắp vào mạch điện rơle áp suất một bóng đèn thử.