Bảng kích thước kho lạnh theo năng suất và công thức tính
Kích thước kho lạnh là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và chi phí đầu tư. Do đó, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố liên quan trước khi quyết định thiết kế kho lạnh.
Bảng kích thước kho lạnh theo năng suất
Năng suất (tấn) | Thể tích | Kích thước (DxRxC) mm |
1 tấn | 6m³ | 2000x1500x2000 |
2-3 tấn | 12m³ | 3000x2000x2000 |
2-3 tấn | 15m³ | 3000x2000x2500 |
4 tấn | 20m³ | 3000x3000x2500 |
5 tấn | 30m³ | 4000x3000x2500 |
7 tấn | 40m³ | 4500x3000x3000 |
12 tấn | 50m³ | 5500x3000x3000 |
13 tấn | 60m³ | 6500x3000x3000 |
16 tấn | 70m³ | 7000x3500x3000 |
20 tấn | 90m³ | 7500x4000x3000 |
24 tấn | 101m³ | 7500x4500x3000 |
Công thức tính kích thước kho lạnh
Bước 1: Xác định thể tích kho lạnh
Thể tích kho lạnh được tính theo công thức: V = E/gv (m³). Trong đó:
- V: Thể tích kho lạnh (m³).
- E: Năng suất kho lạnh kỳ vọng (tấn).
- gv: Định mức chất tải của kho lạnh (tấn/m³).
Tuy nhiên, định mức chất tải kho lạnh ở từng loại sản phẩm sẽ có sự khác nhau. Ví dụ: Thịt bò đông lạnh 1/2 con (0,30 tấn/m³), thịt lợn đông lạnh (0,45 tấn/m³), Gia cầm đông lạnh (0,38 tấn/m³), cá đông lạnh (0,45 tấn/m³), cà chua trong khay (0,44 tấn/m³),…
Bước 2: Tính diện tích chất tải
Diện tích chất tải của kho lạnh được tính theo công thức: F= V/h (m²). Trong đó:
- F: Diện tích chất tải (m²).
- V: Thể tích kho lạnh (m³).
- h: Chiều cao chất tải trong kho lạnh (m).
Chiều cao chất tải là chiều cao lô hàng chất trong kho, chiều cao này phụ thuộc vào bao bì đựng hàng, phương tiện bốc dỡ.
Chiều cao h có thể tính bằng chiều cao buồng lạnh trừ đi phần lắp đặt dàn lạnh treo trần và khoảng không gian cần thiết để chất hàng và dỡ hàng.
Chiều cao chất tải phụ thuộc vào chiều cao thực tế h1 của kho. Chiều cao h1 được xác định bằng chiều cao phủ bì của kho lạnh trừ đi hai lần chiều dầy cách nhiệt của trần và nền kho lạnh: h1 = H – 2.δ, m;
- Chọn chiều cao phủ bì H = 3,6m là chiều dài lớn nhất của tấm panel.
- Chọn chiều dày cách nhiệt δ = 125 mm.
=> Suy ra: h1 = 3,6 – 2 . 0,125 = 3,35 m.
Chiều cao chất tải thực h của kho bằng chiều cao phủ bì trừ đi khoảng hở phía trần để lưu thông không khí chọn là 0,5m và phía dưới nền lát tấm palêt là: 0,1m.
=> Suy ra: h = 3,35 – (0,1 + 0,5) = 2,75m.
Tải trọng của nền và của trần: gf = gv . h
Tải trọng nền được xác định theo công thức: gf = gv.h = 0,55.2,75 = 1,5125 tấn/m².
Bước 3: Tính diện tích kho lạnh
Thực tế, diện tích xây dựng kho lạnh không chỉ đủ để chứa hàng mà còn phải bao gồm các khoảng trống cần thiết để không khí lưu thông, lắp đặt dàn lạnh và cho sự di chuyển của người sử dụng. Do đó, diện tích không gian xây dựng sẽ lớn hơn so với diện tích chỉ để chứa hàng.
Diện tích kho lạnh được tính theo công thức: FXD= F/βT (m²). Trong đó:
- FXD: Diện tích cần xây dựng (m²)
- F: Diện tích chất tải (m²)
- βT: Hệ số này được áp dụng để tính toán diện tích không gian đi lại, khoảng cách giữa các sản phẩm và diện tích cần thiết cho việc lắp đặt dàn lạnh,…
Xác định hệ số sử dụng diện tích βT như sau:
Diện tích buồng lạnh (m2) | Hệ số βT |
Dưới 20 | 0.50 – 0.60 |
Từ 20 – 100 | 0.70 – 0.75 |
Từ 100 – 400 | 0.75 – 0.80 |
Trên 400 | 0.80 – 0.85 |