Phân loại kho lạnh: theo công dụng, nhiệt độ, dung tích
Tùy vào mục đích sử dụng khác nhau, kho lạnh được chia thành nhiều loại khác nhau. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ phân loại kho lạnh để từ đó chọn ra kho lạnh thích hợp nhất với sản phẩm.
Phân loại theo công dụng
- Kho lạnh chế biến: là một bộ phận của cơ sở chế biến lạnh các loại thực phẩm như thịt, cá, sữa, rau, hoa, quả… Các sản phẩm được chế biến và bảo quản tạm thời ở xí nghiệp sau đó được chuyển đến các kho lạnh phân phối, trung chuyển, thương nghiệp hoặc xuất khẩu. Chúng là mắt xích đầu tiên của dây chuyền lạnh, dung tích không lớn.
- Kho lạnh phân phối: dùng để bảo quản các sản phẩm trong mùa thu hoạch, phân phối, điều hoà cho cả năm, dùng cho các thành phố và các trung tâm công nghiệp lớn. Chuyên dùng để bảo quản một loại mặt hàng và kho lạnh vạn năng để bảo quản nhiều mặt hàng.
Phần lớn các sản phẩm được kết đông hoặc gia lạnh ở xí nghiệp chế biến ở nơi khác rồi đưa đến đây bảo quản. Một phần nhỏ có thể được gia lạnh và kết đông tại chỗ. Thời hạn bảo quản tương đối dài 3 – 6 tháng, dung tích của kho thường rất lớn tới 10, 15 ngàn tấn đặc biệt có thể tới 35 ngàn tấn.
- Kho lạnh trung chuyển: thường đặt ở các hải cảng, những điểm nút đường sắt, bộ… dùng để bảo quản ngắn hạn tại những nơi trung chuyển. Kho lạnh trung chuyển có thể kết hợp làm một với kho lạnh phân phối hoặc thương nghiệp.
- Kho lạnh thương nghiệp: dùng để bảo quản ngắn hạn thực phẩm sắp đưa ra tiêu thụ ở thị trường. Nguồn hàng chủ yếu là từ kho lạnh phân phối. Kho lạnh thương nghiệp được chia ra 2 loại theo dung tích : Cỡ lớn từ 10 đến 150t dùng cho các trung tâm công nghiệp, thị xã… ; cỡ nhỏ đến 10t dùng cho các cửa hàng, quầy hàng, khách sạn… Thời gian bảo quản khoảng 20 ngày.
- Kho lạnh vận tải: thực tế là các ôtô, tàu hỏa và tàu thuỷ lạnh dùng để chuyên chở, vận tải các sản phẩm bảo quản lạnh.
- Kho lạnh sinh hoạt: thực chất là các tủ lạnh, tủ đông các loại sử dụng tại gia đình. Chúng được coi là mắt xích cuối cùng của dây chuyền lạnh, dùng để bảo quản thực phẩm trong vòng một tuần lễ.
Theo nhiệt độ
- Kho siêu lạnh: âm sâu -40°C đến -86°C. Được sử dụng để bảo quản vacxin. Tại mỗi kho lạnh âm sâu đều có một kho rã đông nhiệt độ luôn dưới 8°C. Để đảm bảo vắc xin được rã đông an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
- Kho cấp đông: Nhiệt độ -50°C. Được sử dụng để bảo quản các mặt hàng đã qua cấp đông, có nguồn gốc từ động vật. Nhiệt độ tối thiểu cũng phải đạt -18°C. Để các vi sinh vật không thể phát triển làm ảnh hưởng thực phẩm trong quá trình bảo quản.
- Bảo quản nước đá: Tối thiểu nhiệt độ -40°C.
- Kho đa năng: Nhiệt độ bảo quản là -12°C, có thể điều chỉnh nhiệt độ phù thuộc vào nhu cầu.
- Kho bảo quản lạnh: Từ -2°C đến 5°C, chủ yếu bảo quản rau quả và nông sản. Một số rau quả nhiệt đới thì cần có nhiệt độ bảo quản lớn hơn (chuối > 10°C, chanh > 4°C)
- Kho gia lạnh: Nhiệt độ 0°C dùng để gia lạnh các sản phẩm trước khi đưa sang khâu chế biến khác
Theo dung tích
Kích thước kho lạnh phụ thuộc chủ yếu vào dung tích chứa hàng của nó. Do đặc điểm về khả năng chất tải của mỗi loại thực phẩm khác nhau nên dung tích được quy đổi ra tấn thịt (MT-Meet Tons). Ví dụ kho 50MT, kho 100MT, kho 150 MT,…v.v là những kho có khả năng chứa 50, 100, 150 tấn thịt.
Theo đặc điểm cách nhiệt
- Kho xây: Là kho có kết cấu, kiến trúc xây dựng bên ngoài. Bên trong người ta tiến hành bọc các lớp cách nhiệt. Kho xây chiếm diện tích lớn, khó lắp đặt, giá thành cao, khó tháo dỡ và di chuyển. Mặt khác, kho xây không đảm bảo tốt về mặt thẩm mỹ và vệ sinh. Vì vậy, hiện nay nước ta ít sử dụng kho xây để bảo quản thực phẩm.
- Kho panel: Chất liệu từ các tấm panel (tiền chế là polyurethan) được lắp ghép với nhau bằng các móc khoá camlocking. Kho panel có hình thức đẹp, gọn và giá thành tương đối rẻ, rất tiện lợi khi lắp đặt, tháo dỡ và bảo quản các mặt hàng thực phẩm, nông sản, sản phẩm y tế,…v.v.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp ở nước ta đã sản xuất các tấm panel cách nhiệt đạt tiêu chuẩn cao. Vì thế hầu hết các xí nghiệp công nghiệp thực phẩm đều sử dụng kho panel để bảo quản hàng hóa.